top of page
  • Youtube
  • LinkedIn
  • Facebook

Thức uống có vị, dùng bao nhiêu là đủ?

Trong quá trình đồng hành cùng với các mẹ bầu bị nghén nặng, ăn không ngon miệng, nôn ói, chướng bụng, mình nhận thấy có một thói quen ăn uống mà hầu hết các mẹ đều mắc phải. Đó là việc sử dụng một số loại nước có vị thay nước lọc hoặc uống hơn 1 lít mỗi ngày, vì được giới thiệu là tốt cho sức khỏe hoặc mẹ đã có thói quen uống từ trước khi mang thai. 



Thức uống có vị được hiểu là bất kì loại nước uống nào ngoài nước lọc. Từ sữa bò, sữa hạt, trà, cafe, nước ép cho đến nước canh, nước rau luộc, nước hãm gạo rang, nước bã đậu…


Điểm qua một vài trường hợp mẹ bầu sử dụng nước uống có vị chưa đúng cách dẫn đến vấn đề sức khoẻ mà mình đã gặp khi tham vấn và đồng hành trong chương trình Dinh dưỡng thai kỳ.


Mẹ dùng nước gạo lứt đậu đen uống thay cho nước lọc. Mẹ gặp tình trạng đầy hơi, chướng bụng và có cảm giác chán ăn. Nguyên nhân của tình trạng chán ăn là vì các chất kháng dinh dưỡng (như phytates) có thể ức chế sự hấp thụ các khoáng chất như sắt, canxi, đồng, kẽm và magiê..,của cơ thể. Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, gây biếng ăn. Ngoài ra nước gạo rang vẫn có chứa một lượng calo nhất định, khi uống quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tổng nhu cầu năng lượng của cơ thể; gan thận phải lọc thải quá nhiều dẫn đến mệt mỏi và quá tải.


Mẹ thứ hai nằm trong nhóm nguy cơ cao mắc tiểu đường thai kỳ. Việc uống hơn 500ml mật ong chanh mỗi ngày khiến mẹ bị mệt và khó thở. Cơ thể mẹ vốn đã khá nhạy cảm với đường, khi sử dụng lượng lớn mật ong (loại thực phẩm có chỉ số đường huyết cao) khiến đường trong máu mẹ tăng cao, gây áp lực lên mạch máu và ảnh hưởng tốc độ lưu thông máu dẫn đến tình trạng mệt và khó thở của mẹ.


Vì nghe nói sữa ngũ cốc tốt hơn sữa bò nên một mẹ bầu khác đã dùng bột ngũ cốc kết hợp từ 10 loại đậu và uống gần 1 lít mỗi ngày. Kết quả mẹ rơi vào trạng thái không tiêu hóa được, luôn cảm thấy khó chịu ở dạ dày và bị táo bón. Các loại đậu thường chứa nhiều chất xơ và hoạt chất ngăn hạt nảy mầm nên khá khó tiêu. Vì vậy, ngoài việc ngâm và chế biến hạt đúng cách, chúng ta cũng không nên sử dụng quá 3 loại hạt trong 1 ly thức uống. Nên kết hợp 1 loại tinh bột + 1 loại hạt giàu đạm + 1 loại hạt béo, có thể mix thêm rau hoặc rong biển để cho ra 1 ly sữa hạt cân bằng dinh dưỡng.


Một trường hợp quen thuộc nữa đó là mẹ thường bổ sung sữa tươi không đường 1 lít/ngày, với suy nghĩ rằng sữa không đường thì sẽ không gây ra tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, sữa tươi là thực phẩm giàu đạm và chất béo nên khi tiêu thụ lượng lớn sẽ làm tăng nguy cơ béo phì thai kỳ, tăng cân mất kiểm soát và đẩy cao nguy cơ rối loạn chuyển hoá, tiểu đường thai kỳ. 


Đây là một trong số rất nhiều trường hợp các mẹ gặp vấn đề sức khỏe khi dung nạp thức uống có vị không đúng liều lượng và không phù hợp với thể trạng của bản thân. 


Có một vài nguyên tắc được chia sẻ trong khóa học Dinh dưỡng thai kỳ mà mẹ nên áp dụng khi dung nạp các loại đồ uống: 

  • Bất kì loại thức uống có vị nào cũng chỉ dùng giới hạn ít hơn 500ml/ngày. Tổng các loại thức uống có vị không quá 1 lít mỗi ngày để cân bằng dinh dưỡng và tối ưu hoá khả năng hấp thu.


  • Nước có vị dù tốt đến đâu cũng không thay thế nước lọc được, hãy xem chúng như một món ăn. Mà món ăn thì ăn nhiều đều không tốt. 


Trong việc ăn và uống mình luôn tin cơ thể biết sự lựa chọn nào là phù hợp nhất. Thay vì lắng nghe những lời khuyên bên ngoài, các mẹ hãy quay về với chính mình, hãy luôn quan sát và đi theo cảm nhận của cơ thể nhé. ♥️


Comments


bottom of page