Đâu là lý do khiến mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ tìm đến một health coach?
- Health Coach Diệu Hằng
- 29 thg 7, 2024
- 5 phút đọc
Vào năm 2023, mình có cơ hội được đồng hành cùng một mẹ bầu IVF. Đây là lần mang thai thứ hai của mẹ, khi mẹ ngoài 40 tuổi. Mẹ bầu này được chẩn đoán mắc tiểu đường thai kỳ ở tuần thai thứ 28.
Sau khi được chẩn đoán tại phòng khám địa phương, mẹ được giới thiệu đến khám chuyên sâu nội tiết thai kỳ với một bác sĩ nội tiết đầu ngành ở Tp.HCM. May mắn là mình cũng đang làm việc cùng vị bác sĩ này trong một dự án dành cho người Đái Tháo Đường. Bản thân mình cũng rất ấn tượng với quan điểm điều trị tập trung vào thay đổi lối sống và điều chỉnh dinh dưỡng, hạn chế dùng thuốc. Với mẹ bầu này, bác sĩ cũng yêu cầu mẹ thử điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động và theo dõi đường huyết liên tục trong 4 tuần, tạm thời chưa điều trị bằng thuốc.
Đây cũng là chỉ định thường quy đối với mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ. Trong các chương trình kiểm soát tiểu đường thai kỳ ở các nước tiên tiến trên thế giới hiện nay, việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và thay đổi lối sống luôn là chỉ định đầu tiên, trước khi có chỉ định can thiệp bằng insulin.
Sau 1 tuần thay đổi chế độ ăn dựa theo bản hướng dẫn của bác sĩ và thực hiện đo đường huyết 3 lần/ngày thì mẹ nhận thấy xu hướng đường huyết của mẹ giao động liên tục, lúc cao lúc thấp. Trong tuần tiếp theo áp dụng chế độ ăn kiêng, mẹ bắt đầu xuất hiện tình trạng hạ đường huyết và có dấu hiệu sụt cân. Lúc này bác sĩ có yêu cầu mẹ đừng quá kiêng khem mà nên ăn nhiều hơn một chút.
Tới đây mẹ có một chút hoang mang. Là một người có sự hiểu biết nhất định về dinh dưỡng, mẹ đã biết lựa chọn thực phẩm tươi và thay đổi các loại gia vị công nghiệp trong gia đình từ nhiều năm, mẹ bắt đầu cảm thấy băn khoăn về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiểu đường thai kỳ của mình. Và khi tìm cách cải thiện tình trạng đường huyết theo hướng dẫn của bác sĩ thì lại rơi vào một vòng luẩn quẩn của chuyện ăn kiêng thì sụt cân, ăn nhiều hơn thì lại tăng đường huyết.
Thật ra, chế độ dinh dưỡng mà bác sĩ áp dụng là một chế độ an toàn dành cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, việc thực hành chế độ ăn uống này với mỗi mẹ sẽ khác nhau, khả năng hấp thu và chuyển hoá các loại thực phẩm cũng khác nhau. Ví dụ, có mẹ nhạy cảm với tinh bột trong bánh mì hơn là tinh bột trong gạo, có mẹ ăn miến thấy ổn nhưng có mẹ lại đói…

Khi kết nối với mình để đồng hành cùng mẹ trong việc kiểm soát đường huyết bằng chế độ dinh dưỡng, mình đã dành trọn buổi nói chuyện đầu tiên với mẹ để tìm hiểu các thói quen ăn uống, sinh hoạt của mẹ và gia đình, lịch trình hàng ngày cũng như tính chất công việc, quan điểm và xu hướng trong lựa chọn thực và cách thức chế biến thực phẩm…để từ đó lên được một kế hoạch chăm sóc sức khoẻ phù hợp thể trạng.
Sau cuộc nói chuyện đó mình nhận ra những vấn đề của mẹ nằm ở việc:
Lựa chọn thực phẩm lành mạnh nhưng mẹ không nắm được hàm lượng dinh dưỡng của chúng, không biết cách định lượng (ăn bao nhiêu là đủ), dẫn đến cơ thể dung nạp nhiều hơn so với nhu cầu thực.
Ăn nhiều bữa rải rác trong ngày, thường xuyên ăn cùng đồng nghiệp. Đường huyết của chúng ta sẽ tăng dần khi ăn và đạt đỉnh vào thời điểm 2 tiếng sau ăn, sau đó giảm dần về bình thường. Việc nạp thức ăn liên tục dẫn đến tình trạng đường huyết của mẹ luôn ở mức cao, không có quãng nghỉ dẫn đến tăng đường huyết nền.
Tốc độ ăn nhanh: trung bình thời gian ăn một bữa nên từ 20 đến 30 phút do hormone báo hiệu “no” để ngừng ăn được truyền từ dạ dày lên não mất 20 phút. Mẹ ăn quá nhanh nên khi tín hiệu no được truyền đến, mẹ có thể khiến đã nạp nhiều hơn nhu cầu thực tế của cơ thể.
Mẹ cảm thấy bối rối khi kết quả xét nghiệm đường huyết ở phòng khám và hàng ngày tại nhà có sự chênh lệch. Khi mẹ mô tả quy trình làm xét nghiệm hôm đó cũng giúp mình lý giải được kết quả đường huyết của mẹ.
Khi đã xác định được vấn đề cần cải thiện, mình và mẹ cùng nhau lập bản kế hoạch với những thay đổi cụ thể, thực hiện một cách nghiêm túc để kiểm soát đường huyết trong 4 tuần, và trong thời gian đó mẹ phải chụp hình toàn bộ các bữa ăn trong ngày và gửi lại cho mình.
Bắt đầu bằng việc định lượng khẩu phần ăn dựa trên thể trạng.
Cố định thời gian các bữa ăn dựa trên: lịch trình làm việc, nghỉ ngơi.
Thay đổi thói quen khi ăn uống: bắt buộc phải ăn chậm nhai kỹ.
Cải thiện bữa phụ với đồng nghiệp: thêm chất xơ như các loại hạt, ăn trái cây nguyên vỏ nếu được, hạn chế thức uống có đường như trà sữa, nước ép….
Thay vì đo đường huyết 4 lần/ngày thì bây giờ chỉ cần đo đường huyết 2 lần/ngày và mỗi tuần chỉ cần đo 3 ngày ngẫu nhiên hoặc sau khi ăn “món lạ”.

Kết quả, sau 1 tuần điều chỉnh thì đường huyết đo được hàng ngày tại nhà của mẹ đã nằm trong mức an toàn.
Tiếp tục duy trì trong 1 tuần tiếp theo và tái khám cùng bác sĩ, đường huyết của mẹ về mức bình thường cũng như không cần điều trị bằng thuốc. Sau tuần thứ 34 của thai kỳ, mẹ không cần phải tái khám theo dõi tiểu đường thai kỳ nữa.
Chính thức kết thúc tình trạng tiểu đường thai kỳ ngay trong thai kỳ.
Đây có lẽ là một thành tựu đáng nhớ trong công việc của một health coach của mình.
Bạn biết đấy, một health coach chắc chắn không thể thay thế vai trò của bác sĩ nội tiết. Chỉ có bác sĩ mới có thể đưa ra các chẩn đoán và chỉ định xét nghiệm cần thiết cũng như lên phương án điều trị phù hợp, giúp mẹ bầu bị tiểu đường có một thai kỳ an toàn.
Tuy nhiên, mỗi người tong chúng ta đều có một thể trạng riêng biệt, cách thức cơ thể phản ứng với mỗi loại thực phẩm cũng rất khác nhau. Việc áp dụng những khuyến cáo thay đổi chế độ dinh dưỡng chung có tính phổ quát sẽ rất khiến mẹ bầu gặp khó khăn và lo lắng khi chưa đạt được hiệu quả. Quá trình thăm khám cũng bị hạn chế về thời gian khiến các bác sĩ khó có thể điều chỉnh chế độ ăn chi tiết cho từng mẹ bầu.
Vì vậy mà vai trò của một health coach lúc này sẽ như một người bạn đồng hành có chuyên môn, luôn ở bên cạnh mẹ. Dựa trên những chỉ định của bác sĩ và kết quả thăm khám, health coach có thể xác định các khó khăn mà mẹ đang gặp cùng với tình trạng sức khoẻ thực tế tại nhà và cùng mẹ lên kế hoạch ăn uống và ngủ nghỉ phù hợp.
Làm mẹ luôn là một trải nghiệm mới mẻ cho dù mẹ đang mang thai lần thứ mấy đi chăng nữa. Chỉ có mẹ mới hiểu hết những khó khăn trên hành trình mang thai của mình, nên hãy lên tiếng nhờ sự trợ giúp khi cần mẹ nhé.
Comments